Zara đã trở thành một trong những thương hiệu tên tuổi lớn và nổi tiếng nhất trong làng thời trang toàn cầu.
Zara đã đi một chặng đường dài kể từ khi bắt đầu cuộc phiêu lưu trong thế giới thời trang vào năm 1975 với ngân sách ít ỏi là 30 euro. Ngày nay, Zara là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới và là một trong những công ty thời trang thành công nhất ngành. Inditex là công ty mẹ của Zara, cũng là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu.
Hiện Zara có hơn 7.000 cửa hàng trên toàn cầu. Quá trình mở rộng đi kèm với việc bổ sung các sản phẩm quần áo cho mọi người thuộc mọi lứa tuổi, giày dép, phụ kiện và các sản phảm thời trang khác. Vậy đâu là bí quyết đưa ông lớn ngành thời trang đi đến thành công?
Với khoản ngân sách ít ỏi, Amancio Ortega và Rosalia Mera mở cửa hàng Zara đầu tiên ở Tây Ban Nha vào năm 1975 với tư cách là một doanh nghiệp gia đình. Họ định đặt tên cửa hàng là Zorba, theo tên một bộ phim, nhưng bị trùng với một quán bar trên cùng con phố. Vì vậy, họ đổi tên cho cửa hàng là Zara để khách hàng không bị nhầm lẫn với cửa hàng khác.
Trong những ngày đầu thành lập, Zara được mọi người biết đến là cửa hàng chuyên bán các sản phẩm quần áo và phụ kiện giá bình dân nhưng trông giống với các thương hiệu nổi tiếng. Cho đến năm 1980, những thay đổi lớn mới thực sự bắt đầu.
Sau vài năm kinh doanh, tiếng tăm của Zara nhanh chóng vượt ra ngoài biên giới Tây Ban Nha. Đến những năm 1990, Zara đã mở thêm cửa hàng ở nhiều quốc gia khác trên khắp Châu Âu và Mỹ, bao gồm cả Pháp.
Với quy trình tích hợp theo chiều dọc, Zara có thể duy trì kiểm soát mọi quá trình như nhuộm và xử lý sản phẩm. Họ cũng có khả năng xử lý vải bất cứ khi nào họ cần. Điều này cho phép họ sản xuất các vật liệu phù hợp với xu hướng mới theo sở thích của khách hàng.
Zara là một trong những thương hiệu thời trang lớn mạnh nhất. Hãng cũng nổi tiếng nhờ khả năng bắt kịp các xu hướng thời trang thay đổi nhanh chóng. Họ luôn nắm bắt và tung ra các sản phẩm kết hợp giữa chất lượng cao và giá cả phải chăng, đồng thời có thể nhanh chóng cung cấp những mẫu quần áo mới cho các cửa hàng của mình. Zara đã đạt được điều này nhờ việc tuân thủ một quy trình nhất quán và đều đặn.
Những quản lý cửa hàng sẽ đặt đơn cho hàng may mặc mới hai lần một tuần vào những thời điểm cụ thể. Những đơn hàng đó được hoàn thành đúng lịch trình trong vòng 1-2 tuần sau đó, trong khi các thương hiệu thời trang khác mất gần nửa năm để đưa thiết kế mới ra thị trường. Người ta khẳng định rằng câu chuyện thành công của Zara, cũng như thế dẫn đầu và sức hấp dẫn không ngừng của thương hiệu có thể bắt nguồn từ chính thực tiễn và văn hóa đó của công ty.
Zara còn có một lợi thế lớn là khả năng kiểm soát tốt chuỗi cung ứng của mình so với hầu hết các nhà bán lẻ khác. Họ có thể linh hoạt về số lượng, tần suất và sự đa dạng của các sản phẩm mới được tung ra thị trường, vì công ty tự sản xuất hàng của mình. Chỉ khoảng 2 tuần sau khi thiết kế xuất hiện trên sàn diễn, toàn bộ chu trình thiết kế, sản xuất và phân phối đã hoàn tất.
Vì Zara sản xuất hơn 450 triệu mặt hàng và cho ra mắt khoảng 12.000 mẫu thiết kế mới mỗi năm, điều họ cần là chuỗi cung ứng phải thật hiệu quả để đảm bảo rằng các bộ sưu tập ở cửa hàng luôn được làm mới liên tục theo cách vừa trơn tru và hiệu quả.
Câu chuyện thành công của thương hiệu thời trang bình dân có thể truyền cảm hứng có rất nhiều doanh nghiệp khác. Thành công của Zara một phần đến từ việc triển khai hệ thống lên kế hoạch tập trung nguồn lực doanh nghiệp. Phần mềm chính lưu trữ trên đám mây sẽ chịu trách nhiệm quản lý hàng tồn kho, sản phẩm và logistics.
Nhưng tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm của Zara mới thực sự tạo nên thành công và đỉnh cao mà thương hiệu này đạt được ngày nay. Trong suốt nhiều năm, Zara đã đóng vai trò như một ví dụ điển hình về loại hình doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng của mình và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của họ.
Mọi phản hồi của khách hàng sẽ được báo cáo lại cho trụ sở chính và thông báo cho các nhà thiết kế nội bộ để họ xem xét trong tương lai. Quản lý cửa hàng được đào tạo chuyên môn về thời trang và khả năng quan sát nhanh nhạy. Họ được hướng dẫn để luôn biết chú ý đến những gì khách hàng nói và làm, qua đó phản ánh những động thái tiếp theo mà thương hiệu cần thực hiện.
Một câu chuyện kinh điển về việc Zara đặt nhu cầu của khách hàng lên trên hết đó là vào năm 2015, một người phụ nữ tên Miko đã vào cửa hàng Zara ở Tokyo và tìm mua một chiếc khăn màu hồng. Tuy nhiên, cửa hàng không có mẫu khăn màu hồng nào giống như mong muốn của bà. Nhiều khách hàng ở các quốc gia khác cũng tìm mua chiếc khăn màu hồng và nhận câu trả lời tương tự.
7 ngày sau, hơn 2.000 cửa hàng Zara trên toàn cầu bắt đầu bán khăn quàng cổ màu hồng. 500.000 chiếc khăn quàng cổ hồng đã được phân phối và bán hết trong 3 ngày.
Câu chuyện của Zara cho thấy rằng thay vì cố gắng dự đoán xu hướng thời trang sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai xa, công ty đã tập trung vào việc đáp ứng các yêu cầu thực tế của ngành thời trang. Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là kim chỉ nam đằng sau sự trỗi dậy như vũ bão của Zara.
Mặc dù rất thành công, Zara đang chậm một bước trong lĩnh vực thương mại di động và cần phải nhanh chóng bắt kịp xu thế. Dữ liệu thị trường cho thấy thương mại di động sẽ lấn át thương mại điện tử trên máy tính để bàn vào cuối năm nay. Hầu hết các công ty ghi nhận 15-20% lưu lượng truy cập trang web của họ xuất phát từ thiết bị di động và con số này đang tăng lên. Nhiệm vụ của Zara lúc này là nhanh chóng làm cho việc mua sắm trên thiết bị di động trở nên dễ dàng và thú vị hơn.